14/01/2022
Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử đối với Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh
Ngày 7/1, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch
số 05/KH-UBND về kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn
tỉnh năm 2022 nhằm triển
khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn
tỉnh; tuyên truyền về nhận thức, thúc đẩy tạo điều kiện doanh nghiệp chuyển đổi
số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh
toán và trong mua sắm tiêu dùng của người dân; nâng cao hiệu quả trong hoạt động
quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.
Thông
qua việc triển khai thực hiện các nội dung tại kế hoạch này, tỉnh sẽ tranh thủ
mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử có trọng tâm, trọng điểm; tập
trung chủ yếu vào hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế
biến, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh 10 nội dung trọng tâm
Thương mại điện tử giúp thúc đẩy chuyển đổi số
Đó là, tổ chức tập huấn cho đội ngũ thực thi pháp luật về thương
mại điện tử của tỉnh nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp,
xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trực tuyến. Tổ
chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh
doanh trên địa bàn tỉnh về hoạt động thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên
sâu nhằm hỗ trợ ứng dụng hiệu quả khi tham gia kinh doanh trên môi trường mạng
cũng như việc chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh online.
Triển
khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử khi tiến
hành bán hàng hóa, dịch vụ; tăng cường công tác quản lý thuế trong thương mại
điện tử. Đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan đến hoạt động
sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết
các thủ tục hành chính; triển khai thực hiện các giải pháp thanh toán không
dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Hỗ trợ
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng trang bán hàng trên một số sàn
thương mại điện tử uy tín trong nước và thế giới. Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, lựa chọn ngành, lĩnh vực ưu tiên để
phát triển các ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và kinh doanh. Đẩy mạnh sử
dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong
mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các doanh nghiệp, điểm kinh doanh bán lẻ, đơn vị
cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa
bàn tỉnh.
Duy trì
và vận hành Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước; hỗ trợ các doanh nghiệp,
hợp tác xã kết nối, tiêu thụ hàng hóa trên Sàn giao dịch này; thường xuyên cung
cấp các thông tin trên Sàn giao dịch về tình hình thị trường, sản phẩm hàng
hóa, quy định xuất nhập khẩu của các nước đối với các sản phẩm chủ lực của
tỉnh. Phối hợp quản lý cơ sở dữ liệu tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện
tử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định của
Bộ Công Thương. Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên
ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn
tỉnh; đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử./.
Đỗ Dũng